1. Hãy tạm quên những gì bạn biết về UI, visual design và tạm dừng những thói quen của UI design
Ít nhất là trong 3 tháng đầu tiên khi bạn bắt đầu thử thực hành UX design. Thậm chí là dừng làm UI luôn mặc dù bạn đang tập làm dự án design website, application. Đặc biệt là nếu bạn chuyển sang từ Graphic hoặc UI designer.
Hầu hết thời gian, công việc của UX designer hiếm khi cần những kỹ năng về UI. Hơn nữa là khi bạn bắt đầu suy nghĩ về những yếu tố có tính thị giác (visual), bạn có thể sẽ lựa chọn một hướng đi sai hoặc không còn đi theo quy trình thiết kế nữa. Điều này dẫn đến hệ quả là bạn phải thiết kế lại nhiều lần và tốn kém thời gian, công sức rất nhiều. Vì vậy, hãy dành thời gian tập luyện kỹ năng sketching, vẽ phác thảo ý tưởng trên giấy, vẽ các wireframe đơn giản. Bạn càng luyện tập sketching nhiều, bạn càng hoàn thiện hơn trong khả năng tìm tòi và khám phá ý tưởng. Đối với thiết kế UX, chúng ta càng muốn khám phá thật nhiều ý tưởng càng tốt, và lựa chọn ra một ý tưởng tốt nhất để hoàn thiện về sau.
Một cuốn sách khá hay từ Adaptive Path về sketching tôi muốn chia sẻ với các bạn để rèn luyện thêm vẽ wireframe và sketching nhé: Good Design Faster
2. Hãy hiểu thật rõ về vấn đề trước khi bạn bắt đầu thiết kế
Điều này rất quan trọng. Có khá nhiều designer từng design các website template để bán trên các nền tảng như themeforest, creative market và thông thường sẽ bỏ qua phần này. Đó là bởi vì template chỉ được thiết kế cho một đích chung chung, và không giải quyết 1 vấn đề cụ thể nào. Hoặc nếu có vấn đề thì thông thường nó được đưa ra bởi những khách hàng mua template, chứ không phải từ chính người dùng website.
Vì vậy, hãy luôn cố gắng nghĩ về vấn đề thật sự mà bạn đang giải quyết, hãy đặt câu hỏi với khách hàng người thuê bạn design rằng, vấn đề mà họ muốn bạn giải quyết là gì, là business problems hay là user problems. Hãy xác định xem đó có phải thực sự là vấn đề đến từ người dùng không, hay chỉ là giả thuyết của khách hàng. Quan trọng hơn thế, đừng để khách hàng đưa ra giải pháp thiết kế cho bạn. Bạn cần vấn đề để giải quyết, không phải là giải pháp. Nếu một khách hàng đưa cho bạn wireframes mà họ nghĩ là tốt, hãy nói rõ với họ là bạn sẽ chỉ có thể thiết kế UI cho họ, hoặc nói với họ rằng họ có thể tìm một UI designer để thiết kế. Đối với UX designer, wireframe chính là thiết kế để giải quyết một vấn đề nào đó của người dùng. Wireframe thể hiện ý tưởng của sản phẩm cuối cùng mà bạn muốn người dùng sử dụng.
3. Nghĩ về toàn bộ quá trình sử dụng, không phải chỉ một điểm nào đó trong vấn đề cần design
Bây giờ hãy thử nghĩ về tình huống cụ thể: ví dụ như khi bạn đang cần kiểm tra thông tin vé máy bay bạn đã đặt tuần trước. Thông thường bạn có thể sẽ mở app email, tìm kiếm email có tên hãng vé may bay chẳng hạn. Thế nhưng ở 1 tình huống khác, bạn đang bận di chuyển và chỉ dùng được 1 tay (đang ở sân bay tìm thông tin chuyến bay) để xem điện thoại, cách duy nhất để xem là kéo danh sách email để tìm email có chứa thông tin. Với tình huống này, bạn sẽ phải thiết kế trải nghiệm như thế nào để có thể đưa ra giải pháp tốt nhất cho cả 2 tình huống? Bằng cách đặt thiết kế vào những tình huống sử dụng thực tế khác nhau, bạn sẽ thấy rõ hơn các vấn đề mà người dùng thường gặp phải, từ đó có được một giải pháp thiết kế hoàn thiện hơn.
Để thực hành, tôi giới thiệu đến tài liệu Guide to Experience Mapping của Adaptive Path
4. Dừng thực hiện case study redesign các sản phẩm lớn
Các bạn có thể xem thêm bài viết sau đây:
Thay vì cố gắng redesign các sản phẩm của các công ty lớn trên thị trường, hãy thử thực hiện redesign cho một vấn đề cụ thể nào đó của một sản phẩm tương đối mà bạn sử dụng hằng ngày.
Tại sao lại không thử các sản phẩm lớn?
Một phần lý do là các sản phẩm này thường có một đội ngũ product, design lớn cùng đưa ra quyết định cho sản phẩm. Thông thường bản thân họ có thể đã biết đến các vấn đề mà bạn đang cố giải quyết, nhưng vì định hướng, nguồn lực hay độ ưu tiên khác nhau mà có thể họ chưa đụng tới. Hoặc rất có thể mức độ ảnh hưởng của các vấn đề đó chưa đủ lớn để xem xét tới chẳng hạn.
Một phần lý do khác nữa, là bạn cũng sẽ ko đủ nguồn lực, khả năng để thực hiện một nghiên cứu người dùng phù hợp cho mục đích redesign. Cá nhân tôi đã đọc khá nhiều case study redesign mà trong đó, người thực hiện chỉ tiến hành research một cách khá thủ tục (bởi vì process), thông thường chỉ hỏi 5-6 người dùng để lấy một vài insights chung chung, mà không cẩn trọng suy xét xem sample size để research là bao nhiêu người, ai mới là user mình cần phải hỏi, thậm chí là liệu interview 5-6 user có phải là phương pháp research đúng hay không?
Trong user research, không phải lúc nào chúng ta cũng đi hỏi 5 - 6 users bằng những câu hỏi chung chung mà không có một lý do cụ thể tại sao chúng ta phải làm như vậy, thay vì phải tiến hành một khảo sát với số lượng 1000 users chẳng hạn. Những case studies với quá trình research bằng phương pháp interview 5-6 người như vậy mà không có kế hoạch research rõ ràng, thường không thật sự mang lại những insights có ích đối với những sản phẩm với số lượng user chục triệu người, với những phân phúc, lối sống khác nhau.
5. Kỹ năng critical thinking và kỹ năng thuyết phục
Critical thinking is the objective analysis of facts to form a judgment. (Wikipedia). Critical thinking là khả năng phân tích khách quan các dữ kiện để đưa ra một nhận định.
Đây là 2 kỹ năng mềm khá quan trọng hầu như trong bất cứ lĩnh vực nghề nghiệp nào, đặc biệt đối với UX, nó lại càng quan trọng. Kỹ năng critical thinking giúp Designers có thể đưa ra lý luận hợp lý để có được lựa chọn thiết kế đúng đắn nhất. Người thiết kế có thể chọn đúng các dữ kiện khi nghiên cứu sản phẩm, người dùng và đưa ra được các phân tích phù hợp. Và cũng từ Critical thinking, chúng ta có thể cải thiện cả kỹ năng Thuyết phục, khi dùng đúng những yếu tố (facts) và lý luận bên trên để thuyết phục khách hàng, thuyết phục các stakeholders cùng công ty.
Đây cũng chính là nền tảng của Design thinking và Design driven trong công ty, trong công việc. Không designer nào muốn nói rằng "Tôi thiết kế như vậy bởi vì sếp, khách hàng của tôi muốn thiết kế như vậy". Bằng 2 kỹ năng này, bạn có thể cố gắng thay đổi điều đó.
Hi vọng rằng 5 tips ở trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về công việc của UX designers một chút nhé